Quỷ Cốt - Chương 01
Cập nhật lúc: 2024-10-23 21:36:02
Lượt xem: 107
Ông nội tôi là trí thức trẻ nên đã xuống nông thôn đến làng tộc người Miêu và cùng bà nội sinh ra cha tôi và chú Hai.
Sau này, ông nội trở về thành phố nhưng bà nội không muốn rời khỏi làng nên đã ở lại đó. Khi đó, cha tôi và chú Hai còn rất nhỏ.
Sau khi ông nội tái hôn, ông không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa. Hầu như thế hệ cháu chắt chúng tôi đều không biết về sự tồn tại của bà nội.
Mãi cho đến tháng trước, người dân từ làng đã liên hệ với đơn vị cũ của ông nội. Làng đang làm đường nên họ muốn di dời mộ của bà nội, để chúng tôi về bốc mộ rồi an táng lại. Ở trong làng tộc người Miêu có truyền thống bốc mộ và cải táng.
Dĩ nhiên là ông bà nội tôi sẽ không quay về nên cha tôi và chú Hai đưa tôi và em họ quay lại đó.
Ngôi làng rất xa xôi, sau khi chúng tôi lái xe ra khỏi đường cao tốc, chuyển sang đường tỉnh, rẽ sang đường bê tông nông thôn rồi chúng tôi còn phải đi thêm hơn một tiếng trên đường đất đá gồ ghề.
Cuối cùng, xe cũng không thể đi tiếp được nữa.
Chúng tôi phải gọi điện nhờ người đã liên hệ rồi đi bộ qua con đường núi để vào làng.
Em họ tôi, Lương Thần, suốt dọc đường ngồi trên xe, khi thì chơi điện thoại, khi thì chơi máy tính bảng.
Đến lúc phải đi bộ qua đường núi, cậu ta mệt mỏi vô cùng, cứ than phiền mãi, bảo rằng mình chỉ có một bà nội, đâu có bà nội dân tộc nào. Chú Hai và thím Hai đã quen chiều chuộng cậu ta từ trước đến giờ nên không ngừng dỗ dành an ủi.
Nhìn con đường mòn quanh co, tôi không khỏi thắc mắc hỏi người dẫn đường, con đường này trông chẳng giống như đang chuẩn bị làm đường lớn nhỉ.
Nếu không làm đường, sao lại phải di dời mộ của bà nội và cải táng lại?
Người dẫn đường nói với tôi rằng họ không làm đường lớn mà chỉ muốn mở rộng con đường nhỏ thôi.
Trước khi qua đời, ngày nào bà nội cũng ra bên đường của làng, mong ngóng ông nội đưa cha tôi và chú Hai về đón bà.
Sau khi bà ấy mất, người dân đã chôn bà ngay bên đường làng.
Điều này vốn dĩ không hợp lệ, nay làng muốn mở rộng con đường nên phải di dời mộ của bà nội.
Nghe vậy, tôi cảm thấy có chút bồi hồi, quay sang nhìn cha tôi, thấy sắc mặt ông cũng xanh mét.
Ông nội nói rằng bà nội không chịu rời làng tộc Miêu.
Nhưng người dẫn đường lại kể rằng bà ngày ngày mong chờ chồng và các con trai quay về đón bà. Thậm chí sau khi chết, bà cũng được chôn bên đường để chờ đợi.
Cha tôi và chú Hai đều im lặng.
Gần đây thím Hai đang ăn kiêng để giảm béo, ăn thiếu chất, lại đi bộ đường núi lâu như vậy, bà ấy mệt đến mức không còn sức, phải nhờ chú Hai và Lương Thần dìu đi hai bên.
Thím bực tức nói: "Hồi đó, thanh niên trí thức bỏ vợ con để về thành phố đầy ra đó, ông nội còn đưa cả hai đứa con trai đi, coi như không làm phiền bà ấy nữa rồi. Bà ấy bao nhiêu cân bao nhiêu lạng tự trong lòng phải hiểu chứ! Không chịu tái hôn, còn mong ông nội đón về thành phố hưởng phúc. Chết rồi mà vẫn không yên, bắt chúng ta về đây bốc mộ cho bà ấy! Tôi còn chẳng quen bà ấy…"
Những lời này quá sắc bén, đến mức người dẫn đường cũng không thể nghe nổi, ông ta nói: "Bà Long ngày trước là mỹ nhân nổi tiếng trong làng, lại còn…khụ." Ông ta không nói hết câu, chỉ liếc nhìn chúng tôi một cái.
Cha tôi khẽ ho một tiếng, lườm chú Hai một cái.
Mẹ tôi chỉ thúc tôi mau đi nhanh, không muốn dính dáng đến thím Hai lúc nào cũng vụng về và vô tư.
Tối hôm đó, người trong làng Miêu sắp xếp cho chúng tôi nghỉ lại trong căn nhà sàn mà bà nội đã từng ở.
Đồ ăn chúng tôi tự mang theo, còn thím Hai thì mang theo cả cân điện tử, nghiêm khắc kiểm soát chế độ ăn uống và cân nặng.
Nhà sàn thì tôi từng ở khi đi du lịch nhưng căn nhà sàn nguyên bản này lại có một nét đặc biệt riêng, khiến tôi thấy khá háo hức.
Chỉ có Lương Thần là không vui. Sau khi nghịch ngợm đủ thứ đồ điện tử nhưng không có tín hiệu, cậu ta chạy xuống dưới nhà sàn, cầm cây gậy đập phá những cái hũ, cái lọ bên dưới.
Những cái hũ đó rõ ràng đã có tuổi đời khá lâu rồi.
Bên trong một số cái sau khi bị đập vỡ còn có cả sâu bọ, rết bò ra ngoài.
Bên ngoài có một bà lão mặc trang phục người dân tộc Miêu nhìn thấy cảnh đó, gương mặt đầy vẻ kinh hãi. Bà ta dùng tiếng tộc người Miêu lớn tiếng để quát mắng ngăn cản Lương Thần.
Nhưng đáng tiếc là chúng tôi không hiểu tiếng Miêu, còn Lương Thần thì lại càng đập hăng hơn.
Cậu ta tiếp xúc với trò chơi nhiều, cộng thêm việc chú Hai và thím Hai nuông chiều nên trở nên bướng bỉnh, không biết sợ là gì.
Nhìn thấy cậu ta càng đập càng hăng, bà lão ngoài kia lo lắng đến mức như muốn nhảy lên nhưng lại không dám bước vào, chỉ đứng ngoài lớn tiếng quát tháo với gương mặt đầy vẻ sợ hãi.
Thấy vậy, tôi vội lên tiếng ngăn Lương Thần: "Đây là làng dân tộc người Miêu đấy, tôi nghe nói ở đây họ thường để những cái hũ dưới nhà sàn để nuôi bùa ngải. Những con sâu, côn trùng này có khi chính là cổ trùng đấy."
Đúng lúc đó, cậu ta vừa đập vỡ một cái hũ, từ bên trong nhảy ra một con ếch toàn thân màu vàng kim, to bằng lòng bàn tay.
Cậu ta sợ hãi đến mức làm rơi cây gậy xuống đất, khi nhìn rõ thì mặt mày đầy vẻ xấu hổ và tức giận, liền nhặt cây gậy lên định đập c.h.ế.t con ếch vàng đó.
"Lương Thần!" Tôi vội hét lên một tiếng, lớn tiếng quát cậu ta: "Nếu cậu còn không nghe lời, lần sau có chuyện đừng cầu xin tôi giúp nữa!"
Cậu ta thường nhờ tôi giúp làm bài tập hoặc sửa đồ điện tử khi có vấn đề.
Nghe tôi quát như vậy, cậu ta đành miễn cưỡng ném cây gậy đi rồi hậm hực nằm xuống chiếc ghế tre bên cạnh, rung đùi kêu cọt kẹt.
Tôi bước xuống nhà, gom những mảnh vỡ của các hũ, lọ lại rồi quét ra ngoài. Sau đó, tôi dùng một cành cây để đuổi con ếch vàng đi, tránh để Lương Thần quay lại đập c.h.ế.t nó.
Phải nói rằng, tôi đã từng thấy ếch xanh, ếch bò, ếch cây, thậm chí là cóc ghẻ nhưng chưa bao giờ thấy một con ếch vàng óng như thế này.
Hình dáng nó thon dài như ếch cây, đôi mắt đen tròn như viên bi, khi tôi dùng cành cây đẩy nó, nó còn quay đầu nhìn tôi mà không bỏ chạy.
Tôi đành dùng hai nhánh cây để nhấc nó lên, định mang nó ra bỏ vào bụi cỏ gần đó.
Bà lão đứng bên ngoài khi thấy tôi cầm con ếch vàng trên cành cây, liền hét lớn bằng tiếng dân tộc Miêu. Sau đó bà ta bất ngờ quỳ sụp xuống, liên tục dập đầu và nói một tràng dài bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Hành động của bà lão thật quá khích, khiến Lương Thần đang nằm trên ghế tre cũng phải cười khúc khích.
Tôi lườm Lương Thần một cái, sau khi đặt con ếch vàng vào bụi cỏ, tôi gật đầu với bà lão, ra hiệu rằng mọi việc đã ổn rồi đi lên lầu. Khi tôi lên đến đầu cầu thang thì thấy bà lão quay người lại và tiếp tục cúi lạy về phía bụi cỏ. Mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng riêng, người Hồi giáo còn kiêng thịt lợn, có lẽ người dân tộc Miêu có sự tôn kính đặc biệt đối với loài ếch chăng.
Mọi người đều mệt mỏi sau một ngày dài, tối hôm đó ai cũng ngủ rất say.
Ngày hôm sau bắt đầu việc bốc mộ, cha tôi đã thuê một sư thầy chuyên về việc bốc mộ.
Trước tiên, chúng tôi dựng một cái lều bằng chiếu tre bên cạnh mộ và phủ một tấm vải đỏ lên, để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào thi hài rồi mới bắt đầu khai quật mộ.
Thông thường việc bốc mộ chỉ sau ba đến năm năm nhưng bà nội đã mất hơn mười năm rồi, vì không có con cháu nên không ai bốc mộ, bà vẫn được chôn cất ở đây.
Khi mở mộ, vừa đào lên đã thấy có rất nhiều loại côn trùng bò ra ngoài, những con bọ cánh cứng màu sắc sặc sỡ, những con rết dài bằng đũa, thậm chí còn có cả rắn nhỏ.
Cảnh tượng này khiến chúng tôi vô cùng hoảng sợ, may mắn là thầy bốc mộ nói rằng qua mười mấy năm, xương cốt đã hóa thành đất hết rồi, việc thu gom xương sẽ dễ dàng hơn.
Khó nhất là bốc mộ sau ba năm, khi đó da thịt chưa phân hủy hoàn toàn, phải tách phần da thịt khỏi xương và làm sạch từng phần. Dù trước đó Lương Thần tỏ ra không hứng thú nhưng đến lúc này lại rất tò mò, hỏi han không ít.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.me - https://monkeyd.me/index.php/quy-cot-ebis/chuong-01.html.]
Quan tài sau hơn mười năm đã mục nát, biến thành những mảnh gỗ vụn.
Khi dọn dẹp những mảnh gỗ này, chúng tôi phải cẩn thận lột bỏ tấm áo liệm, gạt bỏ những sợi tóc rụng và xua đuổi côn trùng. Sau khi dọn dẹp xong, chúng tôi đeo găng tay và bắt đầu thu gom xương cốt.
Cha tôi cầm cái bình đựng xương bằng vàng, chúng tôi làm theo hướng dẫn của thầy bốc mộ, từ bàn chân đến bắp chân, từ xương sườn lên vai cổ và đến đầu, thu gom từng phần như tư thế ngồi thiền.
Tôi và Lương Thần là cháu nên thu gom phần chi dưới.
Vì xương ngón chân rất nhỏ và dễ rơi, sợ Lương Thần nhặt không được nên tôi phải tự mình thu gom, còn Lương Thần thì thu nhặt các xương lớn như xương ống chân.
Khi tôi đang cẩn thận nhặt những đốt xương ngón chân, Lương Thần bất ngờ rút một cái xương ống chân và vung vẩy như đang cầm một cây gậy rồi hỏi thầy bốc mộ: "Xương người nặng bao nhiêu nhỉ? Xương này đã mục hơn mười năm rồi, chắc nhẹ lắm nhỉ? Cái xương chân này chắc không được nửa cân đâu nhỉ?"
Có lẽ thầy bốc mộ chưa từng gặp ai vô lễ đến thế, ông ta sợ đến mức mặt tái nhợt, không nói nên lời trong lúc này.
Đứng cạnh mộ, thím Hai đeo khẩu trang và thật sự đưa tay đón lấy cái xương chân đó, cân nhắc trong tay rồi nói: "Xương này nhẹ quá, chắc không đến nửa cân đâu! Đúng là loại xương vô dụng..."
"Chú Hai!" Lần này đến mẹ tôi cũng không chịu nổi nữa, bà quát chú Hai một tiếng.
Cha tôi cầm bình đựng xương, tức giận đến mức mặt mày xanh mét, nhìn chằm chằm vào thím Hai.
Lúc này thím Hai cũng nhận ra sự bất kính của mình, vội đưa xương cho tôi và bảo tôi đặt vào cái hũ màu vàng.
Dường như thầy bốc mộ đứng bên cạnh đang sợ hãi cái gì đó, ông ta lùi ra xa, quỳ xuống trước mộ và dập đầu ba cái thật mạnh, rồi lại lẩm bẩm một tràng dài bằng tiếng dân tộc Miêu.
Sau đó ông ta dùng tiếng Hán bảo chúng tôi thu gom xương theo lời ông ta dặn, mang đến động cất giữ là xong, nhà ông ta có việc gấp nên phải về trước. Ông ta vừa nói vừa xoa ngực, liên tục cúi đầu lạy mộ rồi lùi lại và rời đi.
Chúng tôi nhìn nhau, mơ hồ đoán rằng Lương Thần và thím Hai đã phạm phải điều cấm kỵ. Sau đó, cha mẹ tôi vừa nhặt xương, vừa nói những lời như "kẻ không biết thì không có tội, xin đừng trách phạt."
Sau khi nhặt xong xương, theo hướng dẫn của thầy bốc mộ, chúng tôi đậy kín nắp bình đựng xương. Cha tôi cầm bình, còn chúng tôi đi theo sau ông, cùng mang đến động cất giữ.
Động đó chất đầy những chiếc bình vàng giống như cái chúng tôi mang theo, đã có từ rất lâu đời, nhìn vào thật sự lạnh lẽo và rất đáng sợ.
Chúng tôi tìm một chỗ đặt bình xuống, đốt ít giấy vàng và vái vài cái rồi vội vã rời đi.
Phụ nữ chúng tôi về nhà sàn dọn dẹp, còn cha tôi và chú Hai ở lại lấp mộ, tháo dỡ lều và trả chiếu tre cho người dân, để sáng sớm mai có thể rời đi.
Mọi người đã rất mệt sau khi leo núi suốt hai ngày, nhất là thím Hai, sau khi về nhà sàn, bà cân lại cân nặng rồi vui mừng vì nhẹ đi hai lạng.
Đồng thời cứ xoay cổ, lắc cánh tay nói rằng mệt mỏi đến đau nhức xương cốt cả người, cảm giác như xương đang nứt ra vậy.
Sau vụ nhặt xương, mẹ tôi chỉ nghe mà không ngừng trừng mắt, chắc cả đời này bà không muốn cùng làm việc gì với thím Hai nữa và dặn tôi tránh xa bà ấy.
Buổi tối, chúng tôi nấu mì tạm bợ ăn qua loa.
Cha tôi và chú Hai ngồi trên ban công của nhà sàn, lặng lẽ hút thuốc.
Có lẽ họ không ngờ rằng khi gặp lại mẹ mình, bà đã trở thành một nắm xương tàn.
Tôi và mẹ tôi cũng ngồi dựa vào lan can nghỉ ngơi.
Cơn gió núi thổi qua, dường như có tiếng ai đó hát vọng đến: "Ba cân ba, đốt xương nữ xác nhập núi. Bốn cân bốn, xương nam rút hồn về Tây."
Tiếng hát mờ ảo, vừa giống tiếng Miêu, vừa giống tiếng Hán, rõ ràng và vang vọng khắp bốn phía.
Chúng tôi đều nghe rõ rất rành mạch từng chứ, ai cũng đứng dậy và nhìn xung quanh. Nhưng khi bài ca d.a.o cất lên, từ những ngôi nhà sàn khác trong làng Miêu lập tức vang lên những tiếng "đùng đùng" giống như tiếng gõ mõ đuổi tà ma, hay cũng có thể là âm thanh đệm theo điệu hát.
Mặt thím Hai nhăn nhó bóp cổ tay và vai: “Sáng sớm chúng ta phải đi ngay, cái ngôi làng ma quái này, kỳ lạ thật đó. Nghe như có ai đó đang gõ xương vậy, làm tôi đau nhức cả người.”
Mẹ tôi nghe vậy chỉ thở dài, thực sự không muốn đáp lại thím ấy. Không khí lúc đó quả thật rất kỳ quái, mẹ tôi kéo tôi vào phòng đi ngủ.
Làng Miêu yên tĩnh, tiếng côn trùng kêu rả rích cùng tiếng ếch nhái, hơn nữa đã bôn ba sau hai ngày dài nên chẳng mấy chốc tôi chìm vào giấc ngủ.
Trong cơn mơ màng, tôi lại nghe thấy tiếng hát mờ ảo đó. Không tự chủ được, tôi đi theo tiếng hát vì tò mò muốn biết rốt cuộc ai đang hát bài hát kỳ lạ này.
Nhưng khi tôi vừa bước đi, một người đàn ông mặc áo vàng bất ngờ xuất hiện trước mặt tôi và trầm giọng hét lớn một tiếng: “Tỉnh lại!”
Tôi giật mình tỉnh giấc, thấy mẹ tôi mặc đồ ngủ, trông như đang mộng du đi ra ngoài. Tôi vội vàng kéo bà lại, bà cũng bảo đã nghe thấy bài hát đó và không kìm được mà đi theo.
Lòng tôi dâng lên một nỗi sợ, vội kéo mẹ tôi đi tìm cha tôi. Vừa bước ra khỏi phòng, tôi đã thấy cha tôi và chú Hai lần lượt đang xuống cầu thang.
Tôi và mẹ tôi mỗi người nhanh chóng kéo một người lại, không còn cách nào khác, chúng tôi đành vung tay tát mỗi người hai cái để đánh thức họ.
Sau khi cả hai tỉnh lại, chưa kịp hỏi gì thì chú Hai đã chỉ tay về phía xa, hét lớn: “Lương Thần!”
Chúng tôi vội nhìn theo, chỉ thấy Lương Thần với đôi mắt vô hồn, đã đi ra ngoài sàn nhà, rõ ràng cũng đang mộng du.
Chúng tôi lập tức chạy đến nhưng dù đang mộng du nhưng Lương Thần là một chàng trai trẻ khỏe mạnh, lại đang ở độ tuổi sung sức nên chúng tôi cũng không thể kéo cậu ta lại. Ai kéo cậu ta thì cậu ta đá người đó, đôi mắt vẫn trừng trừng nhìn về phía ngọn núi xa xa, miệng cười ngây ngô kỳ lạ.
Cuối cùng, tôi hạ quyết tâm, nhặt một hòn đá từ bên cạnh và ném mạnh vào sau đầu cậu ta, khiến cậu ta ngất xỉu tại chỗ.
Giữa đêm khuya, sự việc xảy ra khiến ai cũng hoảng hốt.
Khi cha và chú Hai đưa Lương Thần trở lại nhà sàn, tôi và mẹ lấy thuốc bôi cho cậu ta, lúc này chúng tôi mới sực nhớ ra vẫn chưa thấy thím Hai xuất hiện.
Chú Hai hét lớn một tiếng rồi vội vàng chạy vào phòng tìm nhưng quả nhiên không thấy bà ấy đâu! Lập tức ông ấy gọi cha tôi cùng người trong làng giúp tìm kiếm.
Cơn mộng du này rất quái lạ, tất cả chúng tôi đều bị cuốn vào, rõ ràng không chỉ đơn giản là mộng du.
Cha tôi không còn bận tâm chuyện khác, dặn tôi và mẹ trông chừng Lương Thần, không được xuống dưới, còn ông và chú Hai đi tìm người hỗ trợ.
Người dân trong làng Miêu rất chất phác và hiếu khách.
Chỉ trong chốc lát, tất cả thanh niên trai tráng trong làng đã tụ tập lại, cầm đuốc hoặc đèn pin, vừa gọi tên thím Hai vừa tìm kiếm khắp nơi.
Tôi và mẹ tôi đứng trên nhà sàn nhìn xuống, thấy những ngọn đuốc sáng rực và tiếng hô vang khắp làng, cảm giác tiếng hát ấy thật quái dị.
Đúng lúc đó, bà lão mặc trang phục Miêu tôi đã thấy ở ngoài khi Lương Thần đập vỡ chiếc hũ, lại xuất hiện dưới nhà sàn, quỳ xuống trước bụi cỏ nơi tôi đã thả con ếch vàng, vừa quỳ lạy vừa lẩm bẩm điều gì đó.
Tôi chợt nhớ lại người đàn ông mặc áo vàng trong giấc mơ, vội chạy xuống nhà sàn định hỏi bà lão. Nhưng khi thấy tôi, bà lão sợ hãi, mặt mày tái mét, vội vàng bò dậy, run rẩy chạy đi.
Giữa đêm khuya, bên ngoài lại không có đèn đường, tôi cũng không dám đuổi theo, mẹ tôi ở trên sàn nhà cũng gọi tôi mau quay lại.
Mọi người tìm thím Hai suốt cả đêm, đến khi trời sáng, cha tôi và chú Hai mới dẫn người trong làng, khiêng thím Hai trên một chiếc giường tre quay trở về. Nghe nói bà ấy được tìm thấy trên một tảng đá trong rừng.
Toàn thân bà ấy vẫn mặc nguyên quần áo, tóc không rối, không có vết thương nào. Nhưng cơ thể bà ấy mềm oặt, dường như không còn xương, trông như một hình nhân được nặn bằng bột…